Sang chiết gas trái phép ở Đông Hà?!
Tại hiện trường trạm chiết, chiếc xe tải BKS 75C-01512 đang bốc bình gas. Lái xe Lê Thừa Tín (1984, trú tại Phong Điền, TT-Huế) khai báo: Tín nhận chở gas cho DNTN Tân Nhà Việt có trụ sở tại 145-Hàn Mặc Tử, TP Huế từ trạm chiết của Chi nhánh Cty CP đầu tư và sản xuất Petro Miền Trung. Hóa đơn xuất cho Tân Nhà Việt chung chung số lượng gas tương đương 130 bình, không cụ thể từng mặt hàng gas.
Trong đó có 10 bình gas Petrolimex Đà Nẵng và 10 bình gas Elf của công ty gas Total được xếp kín đáo khuất trong hàng trăm bình PM và Vgas. Theo lái xe, 20 bình gas này được Tín mua trôi nổi trên đường đi từ Huế ra Quảng Trị để bán kiếm lời?
Theo đăng ký chức năng hoạt động thì trạm chiết Petro Miền Trung Quảng Trị được phép sang chiết 3 mặt hàng chính là PM gas, Vgas và Petronnas. Cty là đại lý cấp 1 của PVGAS Miền Nam, nhưng chỉ được phép kinh doanh các sản phẩm của PVGAS chứ không được phép sang chiết tại trạm chiết Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện trường lại phơi bày những hành vi bất thường của trạm chiết Petro Miền Trung Quảng Trị.
Trên sàn chiết số 1, chủ yếu là vỏ và bình gas của Petro Miền Trung. Nhưng điều chúng tôi ghi nhận được là sự sơ sài của hệ thống bơm gas và PCCC, không có trụ bơm chiết nạp gas mà chỉ có ống dẫn, tay cầm vòi, cân điện tử... không đúng như lời cam kết của công ty tại lễ khánh thành nhà máy 30-8-2010, rằng: Đây sẽ là một Nhà máy tồn trữ và chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng - gas có dây chuyền chiết nạp hiện đại, có công suất chiết nạp 300 tấn/tháng với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 20 tỷ đồng... Theo đại diện của những đơn vị cùng lĩnh vực chiết nạp gas thì đây chỉ là hình thức sang chiết thủ công, không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Từ sàn chiết số 1, hai ống dây cao su nhỏ xíu được đấu nối xuyên qua vách ngăn bằng tôn để chiết nạp gas trên sàn chiết số 2 vừa được đưa vào hoạt động. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, 170 bình gas hồng của PVGAS đã được bơm đầy gas xếp ngay ngắn chờ bọc màng niêm và hàng trăm vỏ hồng khác chất cao xung quanh. Lạ lùng hơn, toàn bộ bình và vỏ gas trong sàn chiết số 2 này đều là màu hồng của PVGAS.
Ông Đặng Đình Dũng, Trưởng phòng kinh doanh PVGAS miền Trung cho biết: Các công ty gas thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam được phép dùng chung vỏ bình của PVGAS, nhưng khu vực nào thì sang chiết ở khu vực đó chứ không lấn “sân” nhau. Địa bàn Quảng Trị thuộc PVGAS Miền Trung quản lý, chỉ được chiết nạp ở Đà Nẵng; Petro Miền Trung không có hợp đồng chiết nạp, phân phối gas với PVGAS Miền Trung thì không thể tùy tiện sang chiết gas vào vỏ của PVGAS.
Ông Dũng cho biết thêm, ở khu vực Bắc miền Trung, thị phần của PVGAS chiếm 30%. Nhưng từ trước Tết đến nay, sản lượng của chúng tôi bị sụt giảm do hiện tượng chiếm dụng vỏ bình và sang chiết gas trái phép của đối thủ.
Một số đại lý từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thay vì đưa vỏ về Đà Nẵng để chiết nạp đúng theo cam kết với công ty thì hàng ngày, họ đưa vỏ về trạm Petro Miền Trung Quảng Trị để chiết nạp chui. Trong số 170 bình PVGAS đã chiết nạp, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 bình hết hạn kiểm định vỏ nhưng vẫn đưa vào chiết nạp (có số seri FS0841411 - tested 12/2008 và BA 0904382 – tested 3/2009).
Tiếp tục kiểm tra kho hàng thứ 3, cơ quan chức năng phát hiện hơn 100 vỏ bình của 9 thương hiệu khác nhau. Nhiều nhất là vỏ của Petrolimex, Elfgas và vỏ của MT Petro, Total gas, VTgas, Tân Thành gas, Vina gas, Hanoi Petro, Gas Phụng.
Trước bằng chứng ngay trong sàn chiết nạp chứa 170 bình PVGAS có nước nhưng không có hợp đồng sang chiết với hãng và 525 vỏ bình PVGAS cùng với hơn 100 vỏ bình của 9 hãng gas khác cất kín trong kho, Petro Miền Trung sẽ giải thích như thế nào với việc sang chiết gas trái phép, thu gom vỏ bình trái phép?
Chủ tịch Chi hội gas miền Trung, ông Nguyễn Ngọc Mân cho biết, các hãng gas rất bức xúc với việc cạnh tranh không lành mạnh của Petro Miền Trung. Không chỉ các doanh nghiệp bị thiệt hại, mà người tiêu dùng bị lừa khi sử dụng gas của hãng này mà bình của hãng khác với giá cao thất thường và chất lượng không đảm bảo.
Nguồn: Báo mới 19/04/2016